Trong Cuốn sách bán rất chạy Thế giới phẳng, nhà báo Mỹ L.Phrít-men nói lịch sử loài người từ khởi thủy cho đến hết thế kỷ 20 đã trải qua hai lần toàn cầu hóa. Lần thứ nhất khi nhà thám hiểm C.Cô-lôm-bô tìm ra châu Mỹ, phát hiện Trái đất hình cầu Lần thứ hai khởi đầu bằng việc phát minh động cơ hơi nước, phát triển hệ thống đường sắt, đường biển… rồi bùng nổ về khoa học, công nghệ. Rồi mới đến lần ba (ông gọi kỷ nguyên 3) toàn cầu hóa ngày nay.
Tác giả không phủ nhận, để đi đến tiến bộ, văn minh, loài người đã phải chịu nhiều đau khổ cùng cực, như bóc lột thống trị, đàn áp, bạo lực, bất công... mà ông gọi rất khéo là "toàn cầu hóa đan xen phản toàn cầu hóa". Dù sao, toàn bộ cuốn sách vẫn xuất phát từ cái nhìn một chiều về thế giới và lịch sử.Về những mặt được và mất từ sự phát hiện châu Mỹ của C.Cô-lôm-bô từ cuối thế kỷ XV, kéo theo làn sóng xâm lăng ồ ạt của người châu âu đến "tân thế giới", ít ai đủ tư cách hơn nhà văn Mê- hi-cô C.Phu-en-tê, một người tự nhận mình là hậu duệ được lai tạo từ ba nền văn minh: bản địa (thổ dân), iberic (Tây Ban Nha- Bồ Đào Nha) và Mỹ đương đại. ông đề cập toàn cầu hóa theo suy ngẫm riêng trong một bài viết khởi đăng trên một tờ báo Mỹ, sau đó được nhiều nước in lại.
Trong bài báo, C.Phu-en-tê đã đưa ra nhiều tư liệu lịch sử khiến người đọc sững sờ. Theo ông, khi người châu âu chinh phục Mê-hi-cô (1519), dân số nước này là 25 triệu, đến năm 1605 (86 năm sau) tụt xuống còn 2 triệu. Thổ dân sống dọc triền núi An-đét năm 1525 có 6 triệu, đến năm 1651 (136 năm sau) còn khoảng 1,5 triệu người. Một đại thảm kịch chưa từng thấy. Nguyên nhân có nhiều: người Châu Âu mang sang nhiều bệnh tật nan y, làm sụp đổ hệ miễn dịch truyền thống của người bản địa. Họ càng dễ chết hơn vì phải lao động khổ sai, vì va chạm giữa các nền văn hóa, vì lo âu thường trực... Hệ quả tiếp theo thật bi thảm: sự diệt vong các nền văn minh bản địa, với hệ thống giáo dục, đạo đức đặc sắc của nó, với những nền văn hóa khác hẳn Châu Âu, đặc biệt trong cách xử lý đầy nhân văn quan hệ giữa người với người. C Phu-en-tê viết: "Trước câu hỏi, phải chăng sự chinh phục của người da trắng đã vĩnh viễn hủy diệt các nền văn minh bản địa Châu Mỹ? Chúng ta đành đau đớn trả lời: đúng vậy. Còn có bao giờ, ngày nay cũng như vĩnh viễn mai sau, con người hình dung nổi, giá không bị người da trắng đập phá tan tành, các nền văn minh đặc sắc ấy nay đã tiến hóa đến đâu”.
Cuộc chinh phục Châu Mỹ của người da trắng còn mang lại một hệ quả rất phức tạp và đầy mâu thuẫn, cái tốt đan xen cái xấu. Nhà thờ (Châu Âu) thông qua bạo lực, dựa vào bạo lực để áp đặt niềm tin. tổ chức, hệ giáo lý của mình, một hệ giáo lý khép kín, không đủ khả năng hiểu thực tế đa dạng của các thổ dân châu Mỹ cũng như người gốc Phi bị bán sang đây làm nô lệ, đến nỗi sau vài thế kỷ, nhiều nền văn minh suy vong và biến khỏi địa cầu. Nhiều tộc người diệt chủng hoàn toàn nếu không bị đồng hóa.
Trên tàn phá, hủy diệt và hoang tàn, một nền văn minh mới được tạo lập trong khổ đau, xoay quanh những trục mới là các đô thị lớn. Cho dù chủ nghĩa thực dân đã gây nên vô vàn tội ác, không thể phủ nhận người da trắng đã dựng lên ở Mỹ La-tinh nhiều công trình kiến trúc hoành tráng, trải rộng từ Lốt An-giơ-lét (Mỹ) đến Bu-ê-nốt Ai-rét (Ác-hen-ti-na), từ La Ha-ba-na (Cu-ba) đến Li-ma (Pê-ru)... Trong lịch sử, chưa từng đâu xây dựng được nhiều công trình vĩ đại như người Tây Ban Nha đã làm thời đó ở Mỹ La-tinh. Các nhà in, trường đại học mọc lên trên tàn phá và bất công xã hơn nhiều thế hệ danh họa, điêu khắc, nghệ sĩ tài ba xuất hiện. Tiếng Tây Ban Nha, và ở mức độ hẹp hơn, tiếng Bồ Đào Nha, được cả một lục địa nhận làm ngôn ngữ chính thức. Khái niệm hiện đại về luật pháp, về công bằng xã hội... du nhập vào lục địa mới... C.Phu-en-tê nói: "Người Tây Ban Nha đã làm nên những điều ấy ở Trung và Nam Mỹ cả một vài thế kỷ trước khi người ang lo- saxons triển khai công cuộc "khai hóa" tương tự của họ tại Bác Mỹ. Người bản địa gồm thổ dân, người da đen nhập cư, người pha trộn da màu, người lai da màu với da trắng… là chủ thể hoặc chủ trì hoặc tham gia xây dựng, và đã lưu lại dấu ấn văn hóa đặc sắc của họ nơi các thánh đường, công trình kiến trúc, tại nghệ thuật và nghề thủ công tài hoa Mỹ La-tinh. Một nền văn minh mới, đặc thù (không là văn minh bản địa cổ truyền, cũng không phải du nhập nguyên bản từ châu âu) đã hình thành, phát triển. Trào lưu văn học hiện thực hư ảo được khai sinh từ cái nền lịch sử ấy, trên thực tại ấy.
C Phu-en-tê đi đến kết luận, bằng cách đặt ra một loạt câu hỏi và tự tìm lời giải đáp. "Liệu chúng ta (người Mỹ La-tinh) bước vào toàn cầu hóa lần này có hy vọng phát huy được các nền văn hóa đa dạng của mình, để các giá trị văn hóa ấy tác động tốt hơn vào các thiết chế chính trị, kinh tế ở châu lục, làm cho chúng có sức sống mạnh mẽ hơn, thực chất hơn, công bằng hơn những gì đang có ở đây? Chắc chắn có thể - lời C.Phu-en-tê - nếu người Mỹ La-tinh ý thức đầy đủ sở dĩ chúng ta tạo dựng được nền văn hóa đặc sắc như ngày nay là bởi chúng ta đã tự mình tạo dựng nên nó và sở dĩ các thiết chế chính trị, kinh tế của ta chưa được tốt như chúng ta có ngày nay, là vì ta đã để người khác làm thay. Trong tương lai, các nhân tố đóng vai trò xúc tác công cuộc đổi mới ở Mỹ La-tinh nhất thiết không thể là các thiết chế sẵn có như nhà thờ, quân đội, nhà nước... Đó phải là xã hội dân sự với vai trò ngày càng tăng của nhân dân. Xét đến cùng, nhân dân sẽ là người sáng tạo đồng thời là người nắm giữ, người phát huy văn hóa mới trong tương lai.
Dù nhà văn không nói thẳng ra, ai cũng hiểu hàm ý. Những suy nghĩ của bậc văn hào được dư luận quan tâm, đặc biệt các dân tộc từng đau khổ bởi "phản toàn cầu hóa lần thứ hai", tức chủ nghĩa thực dân cũ và mới - thuật ngữ của chính tác giả L.Phrít-men - nay nếu không tỉnh dễ có khả năng lại bị cuốn hút thụ động và chịu hệ quả buồn của làn sóng toàn cầu hóa lần thứ ba".
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét