1.1. Bản đồ tư duy là gì ?
Bản đồ tư duy là một hình thức ghi chép sử dụng màu sắc và hình ảnh để mở rộng và đào sâu các ý tưởng. Ở giữa bản đồ là ý tưởng trung tâm, từ ý tưởng này phát triển ra các nhánh tượng trưng cho những ý chính (nhánh chính). Các nhánh chính lại được phân thành những nhánh nhỏ để nghiên cứu chủ đề ở mức độ sâu hơn. Những nhánh nhỏ này lại tiếp tục được phân thành những nhánh nhỏ hơn.
1.2. Tại sao nên dùng Bản đồ tư duy ?
Người ta cho rằng, thế kỉ XXI là thế kỉ của bộ não. Con người đang đứng trước kỉ nguyên của trí tuệ, của sự sáng tạo với sức mạnh tiềm tàng của bộ não gần như vô hạn. Hai bán cầu đại não của con người có chức năng đặc trưng rất khác nhau. Bán cầu não trái thiên về khả năng lôgíc khoa học như từ vựng, tư duy lôgíc, xử lí dữ liệu, thứ tự, tuyến tính, khả năng phân tích, giải quyết tuần tự. Trong khi đó, bán cầu não phải thiên về tiết tấu, tri giác không gian, tư duy tưởng tượng, mơ mộng, màu sắc, ý thức chỉnh thể, do vậy não phải thiên về các hoạt động nghệ thuật, sáng tạo, tình cảm. Mặt khác, khi chất xám ở vỏ não phải hoạt động thì chất xám ở vỏ não trái ở trạng thái tĩnh và suy tưởng. Cũng như vậy, khi chất xám ở vỏ não trái hoạt động thì chất xám ở vỏ não phải lại thư giãn và tĩnh lặng.
Có thể nói, mỗi người đều có không gian trí tuệ gần như vô hạn, ai cũng có kỹ năng về mặt tư duy và sáng tạo nhưng đa số họ chỉ sử dụng một phần rất nhỏ và chưa hiểu được quy luật hoạt động của bộ não nên chưa biết cách khai thác triệt để tài nguyên thiên phú này.Hiện nay, phương pháp dạy học trong các trường phổ thông ở nước ta phần lớn làm cho não trái của học sinh phát triển hơn não phải. Não phải thường ít được dùng đến, trong khi tiềm năng tư duy của não phải không thua kém, thậm trí còn vượt trội hơn so với não trái nếu tìm được quy luật làm việc của nó.
Bản đồ tư duy được xem là một công cụ giúp bộ não tư duy toàn diện và khai thác được tiềm năng của não phải. Nhờ có sự liên kết giữa các ý tưởng với ý tưởng trung tâm nên Bản đồ tư duy cho thấy mức độ bao quát, sâu rộng của vấn đề cần nghiên cứu. Bản đồ tư duy có thể giúp người dùng xây dựng kế hoạch làm việc, học tập nhanh chóng, chính xác, rõ ràng, sáng tạo hơn, giúp người dùng giải phóng suy nghĩ theo lối mòn từ đó dễ dàng đưa ra cách giải quyết vấn đề, làm sáng tỏ những tình huống, tiết kiệm thời gian và nhớ lâu hơn, …Trong dạy học, Bản đồ tư duy góp phần đổi mới phương pháp dạy học. Giáo viên có thể sử dụng Bản đồ tư duy trong quá trình soạn giảng, bố cục nội dung bài dạy; vẽ sơ hoá kiến thức thông qua việc liên kết các mắt xích kiến thức cho từng bài, từng chương, từng phần kiến thức; hệ thống nội dung ôn tập để học sinh có cái nhìn tổng quát về kiến thức đã học, từ đó dễ dàng ôn tập và khắc sâu kiến thức hơn; cấu trúc trong ra đề kiểm tra bằng cách đưa ra các ma trận kiến kiến nhằm phân bố lượng kiến thức, mức độ kiến thức cần kiểm tra cho hợp lí; phân tích cách giải các bài tập định tính cũng như định lượng, đưa ra những kiến thức chính cần giải bài tập cũng như các kiến thức liên quan, từ đó đưa ra các bước giải trình tự và cách trình bày rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Học sinh có thể sử dụng Bản đồ tư duy để học tập tích cực, chủ động và sáng tạo hơn; có thời khoá biểu và thời gian biểu học tập cụ thể, rõ ràng; từ đó tìm ra phương pháp học phù hợp cho bản thân để việc học trở nên đơn giản, nhớ lâu, ngày càng yêu thích môn học và kết quả học tập tốt hơn.
1.3. Cách lập Bản đồ tư duy
Theo Tony Buzan, để lập một Bản đồ tư duy gồm có :
Bắt đầu ý tưởng trung tâm ở giữa một tờ giấy trắng, phần giấy trắng xung quanh dùng để diễn tả các ý chính theo các nhánh nhỏ.
Diễn đạt ý tưởng trung tâm bằng một từ khoá, hình ảnh hay bản vẽ. Theo Tony Buzan, một hình ảnh có thể diễn đạt ý tưởng tương đương với 1000 từ vựng. Hình ảnh càng hấp dẫn thì càng làm tinh thần tập trung, não bộ hoạt động hưng phấn và làm việc hiệu quả hơn.
Sử dụng màu sắc hợp lí khi vẽ. Cũng như hình ảnh, màu sắc trong Bản đồ tư duy rất quan trọng, màu sắc kích thích đại não hưng phấn, tạo cảm giác vui vẻ, sống động cho Bản đồ tư duy, từ đó làm tăng khả năng sáng tạo của người dùng.
Liên kết các nhánh chính với hình ảnh trung tâm, nhánh chính với các nhánh cấp 2, nhánh cấp 2 với nhánh cấp 3, … Đại não con người tư duy thông qua liên tưởng, do vậy việc liên kết các nhánh lại với nhau giúp người dùng hiểu rõ vấn đề và nhớ lâu hơn.
Luôn để các nhánh của Bản đồ tư duy gấp khúc tự nhiên, điều này làm cho Bản đồ tư duy cuốn hút và không bị nhàm chán.
Sử dụng một từ khoá trên mỗi nhánh ý tưởng. Từ khoá phải thật sự ngắn gọn và làm nổi bật được ý nghĩa của nhánh ý tưởng đó.
Sử dùng hình ảnh tối đa cho mỗi ý tưởng, một Bản đồ tư duy sử dụng nhiều hình ảnh ý nghĩa khiến não bộ tư duy liên tưởng mạnh mẽ hơn.
2. Giới thiệu phần mềm Mindjet MindManager
Trên thế giới hiện nay có rất nhiều phần mềm dùng để vẽ Bản đồ tư duy như : Mindjet MindManager, iMindMap, EdrawMindMap, MindGenius, FreeMind, ConceptDraw MindMap, VisualMind, NovaMind, MindMapper Pro, BrainMind,… Trong đó, Mindjet MindManager là phần mềm đơn giản và dễ sử dụng. Phần mềm này có giao diện khá giống với bộ ứng dụng văn phòng Microsoft Office 2010.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét