Tiền Giang – Nên ăn nhiều rau quả là lời khuyên thường xuyên của các bác sĩ cho bệnh nhân, nhưng liệu các bác sĩ và những bệnh nhân của họ có biết rau, củ, quả hiện nay như thế nào không?
Dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua, phóng viên VRNs có dịp gặp và hỏi chuyện một vài người ở miệt vườn Miền Nam và được họ cho biết.
PV: Ở đây người ta có xài thuốc trừ sâu không mà rau cải nhìn ngon vậy chị ?
Chị M (42 tuổi, ở Chợ Gạo, Tiền Giang): Mèn ơi. Mình ở đồng vậy mà bây giờ cái gì cũng hỏng dám ăn, thèm cái gì là tự trồng lấy, nuôi lớn rồi ăn cho chắc. Ở gần nhà mình, người ta trồng rau cải, trồng đậu bắp thấy ham. Trái ra sai, lá xanh um lại không có sâu. Mình cũng nghịch lắm, tối tối ra ao rửa chân là thấy chị D sát nhà xách bình phun thuốc trừ sâu ra ruộng đậu xịt mấy luống đậu, mấy luống cải. Mùi thuốc trừ sâu không có hôi như hồi xưa, nó thơm như mùi ổi xá lị vậy. Phải chi xịt rồi để lâu lâu rồi cắt đem bán còn đỡ. Ai dè, chỉ xịt chừng hai ba ngày là cắt bán, mười lần như mười. Thấy rồi mình mới té ngửa, thuốc xịt chưa kịp tan là dân mình ăn hết rồi. Người trồng người ta biết, người mua người bán người ăn có biết đâu. Mới khổ!
Dì U (63 tuổi, ở Tân Lập, Tiền Giang): Bây thấy đó. Dì già rồi, ở vườn trồng ba cái có cho con cháu ăn, cái gì cần phải đi mua ngoài chợ thì mới mua thôi. Thời buổi bây giờ đồng tiền là trên hết, nó sai khiến con người ta. Hỏi bây chứ người trồng rau, trồng lúa họ biết phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, làm hại đất, hại sức khỏe con người là có tội không? Họ biết hết. Có điều, nếu họ trồng như ông bà mình trồng trọt ngày trước, chỉ cần “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” thì họ bỏ công mà lại không có lời, nhiều khi lỗ do giá bán cạnh tranh, hoa màu sâu rầy ăn, nhiều người mua không thích. Lỗi cũng không phải chỉ một phía, đôi khi phải xét đến mình, mình là người ăn thì lúc nào cũng thích cái ngon, cái đẹp. Thời nay, cái gì trông càng ngon càng hấp dẫn thì ăn vô càng mau chết.
Cô H (32 tuổi, ở Gò Công): Họ phun thuốc thôi còn đỡ. Chồng con nói ở gần khu nhà trọ ảnh ở – khu công nghiệp – mấy người bán rau còn ngâm vô thao nước có pha thuốc gì đó mà sáng ra rau non xèo luôn, cọng ngọn dài thiệt là mát con mắt. ở trong làng con, chuối ra buồng don don là họ cắt bắp bán, ụp thuốc gì trắng trắng chổ chảy mủ ở đầu quầy chừng ít bữa là họ hạ quầy đem bán. Trời ơi, lúc đó trái chuối nó tròn nun nút như con heo con vậy, thấy mà mê. Cái gì họ cũng phun thuốc trừ sâu hết đó, nhất là sari, đậu bắp, đậu que, bắp trái, cà chua, khổ qua,… Lớp phun, lớp ngân, lớp cho thuốc tăng trưởng hỏi sao con người mình không đổ đủ thứ bệnh.
Chị L (44 tuổi, ở Mỹ Tú, Sóc Trăng): Hồi trước, ông bà mình trồng sao ăn vậy, tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Còn bây giờ cái gì cũng có bán tràn lan kể cả các thứ thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Đất trồng liên tục không có thời gian nghỉ ngơi, hễ vừa cắt xong vụ này là ít bữa lại trồng thứ khác. Làm vậy thì làm sao nó phục hồi mà cho trái, cho cây tốt tươi được. Rồi ba cái con sâu rầy bây giờ nó ăn thuốc trừ sâu riết rồi cũng lờn, người ta xịt trước khi cắt mấy ngày là vậy. Nếu để thuốc xả cho hết mà thu hoạch thì rau đậu gì cũng già hết rồi, ai mà mua. Mình không mua thì tiếp thị nó cũng tới nhà nài mua cho được, mình không biết chữ nó còn chỉ cách mình xài nữa. Dân mình hám lợi nên phải mua, phải mần. Ở dưới quê tui có nhiều người ngộ độc thuốc trừ sâu vì đi xịt mà không bịt khẩu trang phải đi cấp cứu.
PV: Nông dân đi cấp cứu do xịt thuốc trừ sâu thì chính quyền có nói gì không chị ?
Chị L: Có ai nói gì đâu. Cửa hàng bán thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ họ có môn bài, ai mà cấm. Mấy ông tiếp thị thì người ta cũng làm công ăn lương, mà người ta cũng chỉ rồi. Tại mấy người đó ỉ y quá, sức con người cứ tưởng là mạnh nên mới bị ngộ độc. Ý là chỉ ngửi mùi là bị như vậy, phun trực tiếp xuống rau cải hoa màu như vậy là độc hèn gì. Ăn riết rồi cũng chết.
Dì U: Trong năm có mấy người tiếp thị vô đây biểu dì mua thuốc xịt cho xoài mau ra bông, sai trái. Thú thiệt, dì thấy ba cái thuốc đó cũng sợ lắm. Mình chữ nghĩa có được bao nhiêu. Mà tên thuốc toàn tiếng Tây, tiếng Tàu không, có cái còn không có hiệu nữa, ai mà biết nó ghi cái gì. Mình trồng để con cháu nó ăn, có dư thì cho lối xóm, chứ có bán buôn gì mà phải xịt thuốc. Mấy gốc xoài, khóm này tốt là dì đổ nước làm cá, làm gà xuống đó, không cần xịt sâu, xịt thuốc ra bông ra hoa gì ráo mà nó vẫn sai bông lắm. Cứ sáng là dì tưới, chiều cũng tưới. Nó cũng như con người. Hễ nóng, hễ khát là mệt mỏi. Mình tắm cho nó, cho nó uống là nó tươi tốt. Mình trồng nó, mình thương nó thì nó cũng thương lại mình thôi.
******
Đằng sau cái đẹp, cái dễ thương, năng suất cao của vụ mùa nhà nông là cái chết thầm lặng.
Hai Quân, VRNs